Trong bài viết lần này, chúng tôi sẽ giải đáp những thắc mắc về “Chữ cái tiếng Nhật” mà bất cứ ai cũng từng một lần suy nghĩ qua nếu là người đang học tiếng Nhật.
Tiếng Nhật được hình thành như thế nào?
Tại sao trong tiếng Nhật lại sử dụng “Hiragana, Katakana và Kanji”? Bên cạnh đó, do dạo gần đây, người Nhật thường sử dụng thêm cả chữ La tinh (ABC…) nên có thể nói rằng có 4 loại chữ trong tiếng Nhật.
Kanji thường được sử dụng trong đời sống và vì nó có khoảng tận 2000 chữ nên đây là loại chữ cực kỳ khó đối với những người đang học tiếng Nhật.
Thời gian gần đây, ngay cả trong cộng đồng người Nhật, số người không thể đọc và viết được Kanji cũng ngày càng tăng. Người ta cho rằng nguyên nhân của việc này là do họ sử dụng smartphone hoặc máy tính nên tần suất viết Kanji bằng tay bị giảm đi.
Đâu là sự khác nhau giữa Hiragana, Katakana và Kanji?
Người Nhật có lý do để chọn lọc và sử dụng cả 3 kiểu chữ này. Lý do chính để họ làm vậy là như sau:
Hiragana (chữ mềm)
Đây là kiểu chữ cơ bản để ký hiệu tiếng Nhật. Từ khoảng 4, 5 tuổi, thì người Nhật sẽ bắt đầu luyện đọc và viết chữ Hiragana. Bảng chữ Hiragana có tổng cộng 46 chữ cái.
Kanji
Một Kanji có cách đọc hoặc ý nghĩa bằng 2 – 3 chữ Hiragana nên số lượng chữ ít hơn, toàn bộ câu văn cũng trở nên dễ đọc hơn. Ví dụ: わたし (3 chữ Hiragana) → 私 (1 chữ Kanji).
Katakana (chữ cứng)
Vì Katakana dùng để phiên âm những “từ ngữ” hay “sự vật, đồ vật” từ nước ngoài du nhập vào Nhật Bản nên cả câu văn sẽ trở nên dễ đọc hơn. Ví dụ: “べとなむのしゅとははのい” → “ベトナムの首都はハノイ” (Hà Nội là thủ đô của Việt Nam).
Câu ví dụ
Chẳng hạn như trong câu này “にわにはにわにわとりがいる” này. Nếu như chúng ta không đọc từng chữ một thì sẽ không thể ngay lập tức hiểu được nghĩa của câu.
Và nếu thêm khoảng trống vào câu thành “にわ には にわ にわとり が いる”
thì câu sẽ trở nên dễ đọc hơn một chút. Tuy nhiên, cách dễ đọc nhất vẫn là cách viết như sau “庭には二羽ニワトリがいる” (Trong vườn có hai con gà).
Một ví dụ khác là câu “すもももももももものうち、もももすももももものうち”. Nếu không có Kanji thì sẽ rất khó để đọc được câu này. Nhưng nếu ta thay Kanji vào trong câu thành “スモモも桃も桃のうち、スモモも桃も桃のうち” thì câu văn sẽ trở nên cực kỳ dễ đọc.
Tại sao người Nhật vẫn tiếp tục sử dụng 3 loại chữ này?
Vậy thì tại sao Nhật Bản vẫn tiếp tục sử dụng 3 loại chữ này? Ví dụ, như trong lịch sử Hàn Quốc, họ đã loại bỏ Kanji và hiện tại họ đang sử dụng bảng chữ tiếng Hàn (gọi là Hangeul).
Như mọi người đã biết, Kanji là kiểu chữ được du nhập vào Nhật Bản từ Trung Quốc từ thời xa xưa, về sau người Nhật đã tạo ra những kiểu Kanji riêng cho mình. Ngày xưa, Việt nam cũng từng là một nước sử dụng Kanji (Hán Nôm) nên Việt Nam có cùng lịch sử với Nhật Bản.
Ở Nhật Bản, vì không thể ký hiệu tất cả những từ tiếng Nhật vẫn đang được sử dụng từ thuở đầu bằng Kanji nên người ta đã tạo ra “Hiragana” dựa trên hình dạng của Kanji. Katakana được sinh ra như một dấu hiệu, ký hiệu được thêm vào để đọc được các văn bản của Trung Quốc hoặc Hán văn bằng tiếng Nhật.
*Hán văn: một thể văn cổ của Trung Quốc, được viết hoàn toàn bằng Kanji. Vì cách đọc phức tạp nên thường được thêm Hiragana hoặc Katakana vào bên phải chữ Kạni để dễ đọc hơn.
Lúc này là khoảng năm 700 Công nguyên thuộc thời Nara của Nhật Bản. Từ thời đại này đến nay, tiếng Nhật đã trải qua 1200 năm mà trong đó Kanji, Hiragana và Katakana được xếp ngang hàng với nhau.
Người Nhật và Kanji
Đến nay, ngay tại Nhật bản vẫn còn những người suy nghĩ rằng phải ngừng sử dụng Kanji nhưng do được người Nhật sử dụng trong suốt lịch sử lâu dài nên Kanji được coi trọng như một nét văn hóa của Nhật và nó vẫn còn tồn tại đến tận bây giờ.
Tuy nhiên, có nhiều Kanji được du nhập từ Trung Quốc đến mức không thể nào ghi nhớ nổi. Cho đến bây giờ, nhờ chính phủ Nhật đã nhiều lần chọn ra những Kanji mà mọi người hay dùng nên giờ số lượng Kanji còn khoảng 2000 chữ.
Những Kanji mà các bạn đang học cũng là học theo những Kanji được lựa chọn theo cách này. Nếu biết rằng số lượng Kanji ngày xưa thật sự còn nhiều hơn nữa thì liệu mọi người có còn hứng học nữa không nhỉ?
Người Nhật và Kanji (Phần 2)
Bạn có biết niên hiệu mới của Nhật Bản đã được công bố vào tháng 4 năm 2019 hay không? Từ thời xưa, ở Nhật bản đã có một nét văn hóa gọi là “niên hiệu” dùng để diễn tả thời đại đó. Kể từ năm 2019, Nhật Bản đã bước vào thời令和 (Lệnh Hòa).
*Niên hiệu là danh hiệu của vị vua được đặt khi lên ngôi để thần dân trong nước gọi các ngài, thay vì tên chánh, đồng thời để tính năm trị vì.
Kanji này thể hiện mong muốn rằng sẽ “mở ra một thời đại mới đầy hy vọng”.
Đối với người Nhật, chữ 令 (Lệnh) được dùng nhiều trong từ 命令 (mệnh lệnh) nên cũng có người cho rằng những cụm từ như “nghe lệnh đi” mang một ý nghĩa xấu.
Tuy nhiên, sau khi biết rằng cụm từ 令和 này đã được lấy từ tập thơ cổ nhất của Nhật (quyển sách tuyển tập các bài thơ) vào 1200 năm trước, người Nhật đã biết thêm một nét nghĩa mới của từ 令和 và bắt đầu có nhiều người thích cụm từ này.
Theo đó, có lẽ với những đứa trẻ được sinh ra vào năm này thì số trẻ có chữ 令 hoặc 和 trong tên sẽ nhiều lên.
Thêm một câu chuyện khác về Kanji thì ở Nhật Bản có một bài thi gọi là “Kiểm tra Kanji” nhằm xem thử khả năng đọc và viết Kanji. Có nhiều người Nhật tham dự kỳ thi này ở trường cấp hai hoặc cấp ba. Nếu mọi người có hứng thú thì hãy thử tham gia kỳ thi này nhé!
Cuối cùng là, ở Nhật Bản vào cuối năm sẽ có một sự kiện nhằm quyết định “Kanji của năm”. Đây là sự kiện mà mọi người sẽ quyết định Kanji thể hiện được những sự kiện trong năm đó.
Chữ Kanji của năm 2018 là chữ Tai 災. Lý do chữ này được chọn là bởi những thiệt hại do động đất hoặc gió bão gây ra xảy ra ở nhiều khu vực của Nhật Bản được gọi là 災 (tai họa).
Những bạn có hứng thú với Kanji cũng hãy thử tìm kiếm từ khóa “お気に入りの漢字” (Kanji được yêu thích) xem sao nhé.
CÔNG TY TNHH GIÁO DỤC VÀ DỊCH THUẬT IFK
Chuyên cung cấp các dịch vụ sau:
Dịch vụ biên phiên dịch tiếng Nhật, Anh, Việt
Dịch vụ làm CV tiếng Nhật
Dịch vụ tư vấn du học Nhật Bản
Chương trình internship tại Nhật Bản cho trường liên kết
Email: info@translationifk.com
Hotline: 0282.247.7755/ 035.297.7755
Website: https://translationifk.com
Facebook: Dịch Thuật Tiếng Nhật IFK
Nhấp vào một ngôi sao để đánh giá!
4.9 / 5. Lượt đánh giá: 491
Không có phiếu bầu cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.