ĐỂ TRỞ THÀNH PHIÊN DỊCH VIÊN NGÔN NGỮ KÝ HIỆU, BẠN CẦN NHỮNG GÌ?

Bài viết trước chúng tôi đã giới thiệu khái quát về công việc của một phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu tại Nhật Bản. Ở bài viết tiếp theo này, chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin cần thiết dành cho những ai có ý định trở thành một phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu.

1. Lộ trình để trở thành một phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu

  • Đầu tiên là phải học ngôn ngữ ký hiệu

Muốn phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu thì điều đầu tiên là cần phải có kiến thức nền tảng về nó. Nếu phải so sánh với việc học tiếng Anh, thì việc học ngôn ngữ ký hiệu cũng giống như vậy. Phải học từ vựng, ngữ pháp thì mới có thể có khả năng giao tiếp được.

Sau khi đã học các kiến thức nền tảng thì sẽ sang bước tiếp theo là giai đoạn thực hành. Đây là bước để phát triển năng lực và vận dụng những gì đã học vào việc phiên dịch.

Mặc dù không có yêu cầu về một loại bằng cấp đặc biệt để phục vụ xã hội với tư cách là một phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu, nhưng để được công nhận là “phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu” chỉ khi có được bằng cấp do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi chứng nhận.

Nếu có chứng nhận này sẽ có thể làm việc ở những nơi công cộng như phiên dịch tại các buổi bầu cử chính trị hay các phiên tòa xét xử. Ngay cả khi vẫn chưa có bằng chứng nhận trên, nhưng nếu đỗ kỳ thi “Chứng nhận phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu của các tỉnh, thành phố Nhật Bản” thì vẫn có thể làm ở rất nhiều nơi.

Thực tế, hầu hết các phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu đang làm việc trên toàn Nhật Bản đều đã đỗ kỳ thi này. Ngoài ra, nếu đã được chứng nhận là “Phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu làm việc tại chính quyền địa phương” thì sẽ có cơ hội làm công việc phiên dịch theo yêu cầu của chính quyền địa phương đó.

  • Phải vượt qua kỳ thi để trở thành một phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu

Để đủ điều kiện trở thành một phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu, cần phải vượt qua kỳ thi “Chứng nhận kỹ năng phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu”, và được đăng ký ở Trung tâm Văn hóa Thông tin dành cho người khiếm thính.

Bởi vì tỷ lệ đậu của kỳ thi chỉ khoảng 10% và rất khó để vượt qua, nên những ai muốn vượt qua được kỳ thi này sẽ phải chuẩn bị bằng cách đăng ký học ở các cơ sở giáo dục hoặc các khóa học từ xa.

Trong số đó cũng có những người cố gắng vượt qua kỳ thi bằng cách tự học, nhưng để có thể hoàn thiện những kỹ năng phiên dịch, đòi hỏi phải có kinh nghiệm thực hành. Vì vậy, nếu có ý định tự học thì hãy suy nghĩ thật kỹ về giới hạn năng lực của bản thân có đủ hay không.

  • Vậy làm thế nào để xin việc?

Ở Nhật Bản hiện nay, chỉ có một số ít người đang làm việc với tư cách là một phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu. 

Phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu chủ yếu làm việc trong các công ty phúc lợi xã hội, hội đồng phúc lợi xã hội, cơ quan hành chính thành phố (tòa thị chính)…Nhưng việc tuyển phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu là rất ít, ở nhiều nơi, họ sẽ tuyển và yêu cầu đảm nhận một lúc hai công việc: vừa làm công việc của nhân viên tại cơ quan đó, vừa vận dụng các kỹ năng ngôn ngữ ký hiệu để làm công việc phiên dịch.

Tuy nhiên, nhu cầu về phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu đang dần tăng lên ở các cửa hàng bách hóa, trung tâm thương mại, ngân hàng và các công ty tư nhân…

Lộ trình trở thành phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu

2. Bằng cấp cần thiết và độ khó của kỳ thi

  • Chứng nhận phiên dịch viên ngôn ngữ là gì?

“Kỳ thi chứng nhận kỹ năng phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu” hay còn gọi là “Kỳ thi phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu” do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội chứng nhận được biết đến là kỳ thi có độ khó cao nhất trong số các chứng chỉ có liên quan đến phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu.

Chứng nhận phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu không phải là chứng nhận giấy phép hành nghề như của bác sĩ và luật sư. Chính vì thế, có những người cho dù họ vẫn chưa có chứng nhận, nhưng họ vẫn có thể đi phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu.

Tuy nhiên, tại các phiên tòa xét xử hay các buổi bầu cử chính trị, chỉ có những người đã vượt qua kỳ thi và đã được chứng nhận mới có thể phiên dịch.

Kỳ thi được tổ chức mỗi năm một lần, và việc đạt hay không đạt sẽ được chấm dựa trên cả hai phần thi lý thuyết và thực hành. Giống như phần thi lý thuyết, phần thi thực hành cũng sẽ kiểm tra các kiến thức cơ bản về phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu và phúc lợi xã hội dành cho người khuyết tật.

Sau khi vượt qua kỳ thi và được chứng nhận là đã có thể làm việc với chức vụ là “phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu”. Đây không phải là một kỳ thi dễ, nhưng đây sẽ là mục tiêu cho những ai trong tương lai muốn làm việc tại các cơ quan nhà nước hoặc muốn coi đó là một công việc để kiếm tiền chứ không phải là công việc tình nguyện.

  • Điều kiện để tham dự kỳ thi

Không hề có giới hạn về độ tuổi, và bất kỳ ai trên 20 tuổi đều có thể tham gia kỳ thi. Tuy nhiên, những ai có thể thi tại ba địa điểm thi ở Tokyo, Osaka và Kumamoto mới có thể tham gia thi.

  • Tỷ lệ đậu

Sau đây là kết quả của “Kỳ thi chứng nhận kỹ năng phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu” lần thứ 31 được tổ chức tại Nhật Bản vào tháng 10, năm 2019:

  • Số người dự thi: 1100 người
  • Số người đậu: 121 người
  • Tỷ lệ đậu: 11.0%
  • Độ tuổi trung bình: 47.4 tuổi

Dưới đây là số liệu của những lần thi trước đó:

<Lần thứ 30 (năm 2018)>

  • Số người dự thi: 1105 người
  • Tỷ lệ đậu: 9.8%

<Lần thứ 29 (năm 2017)>

  • Số người dự thi: 1037 người
  • Tỷ lệ đậu: 8.2%

<Lần thứ 28 (năm 2016)>

  • Số người dự thi: 1058 người
  • Tỷ lệ đậu: 11.2%

<Lần thứ 27 (năm 2015)>

  • Số người dự thi: 1076 người
  • Tỷ lệ đậu: 2.1%

Theo các số liệu trên đây có thế thấy, tỷ lệ đậu của mỗi năm khoảng 10%, và con số này có sự thay đổi theo năm. Tuy nhiên, trước đây, có những năm tỷ lệ đậu chỉ khoảng 2% nên có sự biến động rất lớn giữa các năm.

Bởi vì mỗi năm trung bình có khoảng 1000 người dự thi nên mức độ khó của kỳ thi qua từng năm sẽ có sự khác nhau.

3. Những người thích hợp làm phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu

Điều quan trọng đối với một phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu là họ phải thật sự yêu thích việc giao tiếp với mọi người xung quanh.

Khi làm công việc phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu, có nghĩa là phải làm việc và tiếp xúc không chỉ với người khiếm thính, mà còn với những người bình thường ở mọi lứa tuổi khác nhau. 

Nếu là một người thích giao tiếp với mọi người, đặc biệt là giao tiếp thông qua hội thoại và các ngôn ngữ ký hiệu, thì sẽ không có quá nhiều khó khăn để làm và có thể tiếp tục công việc này.

4. Độ tuổi nào thì có thể trở thành phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu?

Không có bất kỳ giới hạn độ tuổi nào để trở thành một phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu. Những người có kinh nghiệm hơn và có nhiều kỹ năng dịch hơn sẽ được trọng dụng hơn vì thế ngay cả khi đã có tuổi, vẫn có thể tiếp tục công việc này.

5. Có thể tự mình trở thành phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu không?

Bất kỳ ai trên 20 tuổi đều có thể tham dự kỳ thi phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu, nhưng tỷ lệ đậu rất thấp, chỉ khoảng 10%, và đây là một thách thức cực kỳ khó khăn để trở thành một phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu. Vì vậy, với những ai có thái độ nửa vời với nó thì rất khó để trở thành một phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người đã tự học ngôn ngữ ký hiệu với mục tiêu trở thành một phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu.

Tự học để trở thành phiên dịch viên ngôn ngữu ký hiệu

Học ngôn ngữ ký hiệu cũng như học một ngôn ngữ mới, và điều quan trọng là phải có sự thực hành, áp dụng nó vào thực tế. Vì vậy sau khi tự học những kiến thức cơ bản, hầu hết mọi người sẽ nâng cao kỹ năng của mình bằng cách tham gia vào các câu lạc bộ ngôn ngữ ký hiệu hoặc khóa học của chính quyền địa phương.

Có thể nói, dù là tự học đi chăng nữa, cũng sẽ không có sự tiến bộ hơn trừ khi tích lũy được kinh nghiệm thực tế.

“Trò chuyện bằng ngôn ngữ ký hiệu” và “Phiên dịch bằng ngôn ngữ ký hiệu”, nghe có vẻ giống nhau nhưng lại hoàn toàn khác nhau. Một phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu sẽ không làm việc chỉ ở mức độ giao tiếp đơn thuần bằng ngôn ngữ ký hiệu được.

Phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu đóng vai trò là cầu nối giao tiếp giữa người khiếm thính và người bình thường, từ đó giúp cuộc hội thoại trở nên suôn sẻ hơn. 

Rất khó để tự học những kỹ năng này, và tốt hơn hết là nên đăng ký học tại trường học hoặc một khóa học đào tạo nào đó.

Mặc dù kinh nghiệm thực tế sẽ là yếu tố cần thiết để học và nâng cao các kỹ năng phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, nhưng có rất nhiều điều mà bản thân người học có thể tự cố gắng để trở thành một phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu.

Không chỉ giới hạn trong ngôn ngữ ký hiệu, mà ở bất kỳ ngôn ngữ nào, để có thể phiên dịch hiệu quả, cần phải nâng cao vốn từ vựng và khả năng diễn đạt của mình.

Chính vì thế, điều cần thiết là từ bây giờ phải nỗ lực nâng cao kiến thức bằng cách thường xuyên đọc nhiều sách và rèn luyện khả năng xử lý nhanh chóng các vấn đề thời sự hiện nay.

Chúng ta hoàn toàn có thể tự học và những kiến thức có liên quan đến phúc lợi xã hội cũng đều có thể tích lũy được bằng cách tự học.

Có thể nói, sự nỗ lực để cân bằng giữa việc tự học cá nhân và học thực hành sẽ là con đường tắt để vượt qua kỳ thi được cho là khó nhất này.

CÔNG TY TNHH GIÁO DỤC VÀ DỊCH THUẬT IFK

Nhấp vào một ngôi sao để đánh giá!

5 / 5. Lượt đánh giá: 241

Không có phiếu bầu cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

Bài viết liên quan

Trụ sở chính:

Tầng 14, HM Town, 412 Nguyễn Thị Minh Khai, P.5, Q.3, HCM

Văn Phòng:

Tầng 5 - C5.17 Imperial Place, 631 Kinh Dương Vương, An Lạc, Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại:

035.297.7755
0282.247.7755

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Liên Hệ Chúng Tôi

 Copyright © 2015 – 2022 Công Ty Giáo Dục – Dịch Thuật IFK – / GPĐKKD số 0315596065 do Sở KHĐT TP.HCM cấp.