Trước khi trách việc khó thì người dịch cần hiểu điều này
Rõ ràng là ngành nghề nào cũng có những nỗi khổ riêng, nhưng tính chất công việc chữ nghĩa lại khiến người dịch đôi lúc cũng cảm thấy rối rắm. Tại sao vậy?
Thông thường, một người bắt tay vào dịch một tài liệu sẽ mang tâm trạng hồ hởi, sẵn sàng tinh thần chơi đùa với từ ngữ, nhưng sau đó lại trải qua cảm giác mệt mỏi, chán chường sau bao lần dịch đi dịch lại đúng một chỗ. Vậy là vì sao?
1. Dịch là công việc mang tính tự do, nhưng là tự do trong khuôn khổ
Ngôn ngữ có những luật lệ riêng của nó, và việc của người dịch là phải tuân theo. Một số ví dụ có thể kể đến như ngữ pháp, tính tự nhiên và mạch lạc của văn bản, trường từ vưng,… Đúng là với mỗi cụm từ chúng ta sẽ có rất nhiều lựa chọn, nhưng không phải cái nào cũng thích hợp để ghép vào.
Đa số những người bắt đầu sẽ có thói quen dịch theo sở thích và cảm hứng. Ví dụ như “you”. Lúc thì dịch thành “cậu”, lát sau thì thành “hắn”, rồi cảm thấy không ưng lại sửa về “bạn”. Việc liên tục thay đổi như thế sẽ rất dễ đánh mất đi tính ổn định và thống nhất giữa các phần của văn bản và cũng như là của quá trình dịch. Ngoài ra, vì là dịch một cách “tự do” cho nên khi được hỏi đến, đa số mọi người sẽ không biết trả lời thế nào cho thuyết phục với khách hàng.
2. Sự khác biệt giữa sản phẩm so với thứ khách hàng muốn
Có thể đối với người dịch, ưu tiên của chúng ta là sự hay, độ bay bổng của bài dịch với những cụm từ lạ tai, nhưng trên thực tế thì khách hàng chỉ cần đúng thứ có thể giải quyết được vấn đề của họ. Khách hàng không thuê để chúng ta có cơ hội làm dày kinh nghiệm của mình. Họ có vấn đề về rào cản ngôn ngữ, về giao tiếp và sẵn sàng chi trả để giải quyết chúng. Trong nhiều trường hợp, đó sẽ là một bản dịch không chỉ đúng yêu cầu, mà còn phải nhanh và rẻ.
Chính vì thế, hãy đặt mục tiêu cuối cùng công việc là giải quyết được vấn đề của họ. Cư xử như một chuyên gia bằng cách lắng nghe, tìm hiểu, phân tích và tư vấn giải pháp phù hợp với những giới hạn của dự án. Đây là bước đầu tiên để có thể xây dựng được sự đồng cảm. Hay nói đúng hơn, trong mối quan hệ này, ta đang ở cùng một phía với họ. Lời khuyên hữu ích là hãy làm rõ những mong đợi ở nhau càng sớm càng tốt, khi đã tìm được tiếng nói chung, bạn sẽ không phải xóa đi dịch lại cho trúng ý khách hành “en nờ lần”.
3. Cái tôi của người dịch
Thế giới quan khác nhau tạo ra những cách nhìn nhận vấn đề khác nhau. Đặc biệt là khi ở trong chuyên môn của mình, người dịch lại có xu hướng thiên vị những quan điểm mình cho là đúng, rồi chủ quan tưởng mình đã làm theo cách tốt nhất.
Một trường hợp khác là cảm xúc với công việc. Khi được giao cho một văn kiện có phần khô khan, đôi khi chúng ta cảm thấy nhàm chán, nhưng khi nhận dịch cho một cuốn sách mà bản thân yêu thích từ lâu, ta lại hăm hở làm việc. Việc để cho cảm xúc xen vào công việc không phải là điều không tốt, nhưng cần phải cẩn trọng với những tác động dễ tạo ra thiên kiến. Khi bạn không vui, bạn sẽ truyền tinh thần ấy vào bài dịch; khi bạn hào hứng, sản phẩm của bạn cũng sẽ tươi mới hơn.
Hãy tập cho bản thân sự kỷ luật và duy trì cảm xúc, vì chúng ta sử dụng cảm xúc cho mục đích công việc, chứ không phải để cảm xúc điều khiển chúng ta.
4. Kiến thức chưa bao giờ là đủ
Đây là lý do mà có vẻ ít người nghĩ đến. Dù là người mới hay đã có thâm niên trong nghề, nếu cảm thấy “cuộc chơi” đang quá dễ, nghĩa là bạn đang không tiến lên. Và đó không phải là một điều tốt. Một công việc không cho bạn sự thôi thúc để nỗ lực, không cho bạn chướng ngại để vượt lên thì nghĩa là bạn đang kẹt trong vũng lầy mang tên “chấp nhận”.
Rồi công việc sẽ khó và đa dạng hơn, nếu bạn cứ dậm chân tại chỗ thì hoặc là bạn không theo kịp người phía trước, hoặc là bạn sẽ chán và bỏ cuộc. Khi này, việc học là cực kỳ cần thiết. Học để vỡ ra những gì mình biết chỉ như hạt cát trên sa mạc, để thích ứng được với kỳ vọng xã hội và cũng như để tăng độ khó cho cuộc chơi.
CÔNG TY TNHH GIÁO DỤC VÀ DỊCH THUẬT IFK
Chuyên cung cấp các dịch vụ sau:
Dịch vụ biên phiên dịch tiếng Nhật, Anh, Việt
Dịch vụ làm CV tiếng Nhật
Dịch vụ tư vấn du học Nhật Bản
Chương trình internship tại Nhật Bản cho trường liên kết
Email: info@translationifk.com
Hotline: 0282.247.7755/035.297.7755
Website: https://translationifk.com
Facebook: Dịch Thuật Tiếng Nhật IFK
Nhấp vào một ngôi sao để đánh giá!
5 / 5. Lượt đánh giá: 294
Không có phiếu bầu cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.